Skip to main content

Vụ Thu đông năm 2025, xã Vĩnh Thạnh Trung ngưng vụ, xả lũ ở 2 tiểu vùng, với diện tích hơn 2.300 ha

Tính đến 15-7, nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung đã xuống giống lúa vụ Hè thu 2025 được tổng diện tích hơn 4.000 ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn từ trổ, chín đến thu hoạch. Trong đó, diện tích lúa trổ khoảng 740 ha, chín hơn 3.200 ha và thu hoạch trà lúa đầu vụ Hè thu ở tiểu vùng Kênh 10 Châu Phú – Kênh 7 – Cây Gáo diện tích khoảng 40 ha, năng suất lúa khô bình quân đạt 6,34 tấn/ha.

Cùng với sản xuất lúa Hè thu, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các tiêu chí thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Để tham gia Đề án, nông dân cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật như không đốt rơm rạ mà xử lý bằng các giải pháp như thu gom rơm ra khỏi ruộng, hoặc xử lý chế phẩm vi sinh, khuyến khích bón kết hợp phân hữu cơ để giảm chi phí phân vô cơ; áp dụng tưới ngập khô xen kẽ; áp dụng quy trình canh tác “1 phải 5 giảm” về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và áp dụng cơ giới hóa sau thu hoạch; tích cực tham gia các lớp tập huấn, khuyến nông, hội thảo về các quy trình, kỹ thuật canh tác phục vụ Đề án do ngành chuyên môn tổ chức. 

 

Thực hiện Kế hoạch thực hiện xả lũ các vùng sản xuất 3 vụ trên địa bàn năm 2025, vụ Thu đông năm 2025, xã Vĩnh Thạnh Trung thực hiện xả lũ ở tiểu vùng Quốc lộ 91 – Kênh 3 – Vịnh tre – Cần Thảo, với diện tích 1.586,14 ha (thuộc địa bàn xã Mỹ Phú cũ) và tiểu vùng Quốc lộ 91 – Mương khai – Vịnh tre – Cây Gáo – Kênh 1, với diện tích 727,79 ha (thuộc địa bàn thị trấn Vĩnh Thạnh Trung cũ).

UBND xã Vĩnh Thạnh Trung đang đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xả lũ và vận động nông dân trong vùng thực hiện. Đồng thời, vận động người dân chủ động gia cố, tôn cao bờ bao, lên phương án bảo vệ diện tích sản xuất của mình.

Việc ngưng vụ, xả lũ được thực hiện theo chủ trương sản xuất 03 năm 08 vụ tại các vùng sản xuất nằm trong đê bao. Qua đây nhằm cải tạo đất, góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế lúa cỏ, cỏ dại, cắt giảm nguồn dịch hại lưu tồn trên đồng ruộng, giảm ngộ độc hữu cơ và tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, sau khi thực hiện ngưng vụ có thể điều chỉnh lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, góp phần định hướng phát triển vùng sản xuất lúa an toàn và bền vững.

Trúc Mai